Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động tại thị trấn Me, nước thải của dân cư cùng hơn 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, một bệnh viện, các trường học và của toàn bộ các cơ quan đóng trên địa bàn thị trấn không được xử lý thải trực tiếp xuống các ao hồ, sông Me và chảy ra sông Đáy làm tăng ô nhiễm nguồn nước của sông Đáy. Các giải pháp tổng thể quản lý và bảo vệ môi trường là chưa hoàn chỉnh hoặc chưa có, do vậy các cấp quản lý từ huyện tới xã rất lúng túng trong công tác quản lý môi trường. Qua nghiên cứu tìm hiểu về các công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt trong nước cũng như nước ngoài, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ Môi trường (Tổng cục Môi trường) đã đề xuất xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ thấm lọc, với tiêu chí giá thành rẻ, dễ vận hành, chi phí vận hành thấp, vừa xử lý nước thải vừa khôi phục cảnh quan lưu vực sông, kết hợp làm công viên sinh thái, đảm bảo xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn xả thải (QCVN 14: 2008/BTNMT), dễ áp dụng trong điều kiện Việt Nam, nhất là các khu dân cư, thị trấn, thị xã dọc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên diện tích 17.030 m2, phục vụ dân số 5.830 người thuộc thị trấn Me, dự án đáp ứng mục tiêu đề ra là xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ thân thiện với môi trường, vừa khôi phục cảnh quan môi trường. Việc lựa chọn thị trấn Me làm địa điểm thực hiện dự án vì đây là nơi có tính đại diện, điển hình rất cao cho các khu dân cư tập trung, đặc biệt là cho lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và các vùng của đồng bằng Bắc bộ.
Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ thấm lọc bao gồm: bể lắng cát, bể điều hòa, trạm bơm, bể lắng đứng, máng tràn bậc thang, bể thu nước, bãi lọc trồng cây, hồ sinh học và cảnh quan cây xanh. Toàn bộ nước thải của thị trấn được đấu nối về hệ thống để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Sau 2 tháng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thị trấn Me đi vào hoạt động, hiệu quả xử lý nước thải cho thấy, trong các bãi lọc, phân hủy sinh học đóng vai trò lớn nhất trong việc loại bỏ các chất hữu cơ hòa tan hay dạng keo có khả năng phân hủy sinh học (BOD) có trong nước thải. Các chất rắn lắng được loại bỏ dễ dàng nhờ cơ chế lắng trọng lực, vì hệ thống bãi lọc trồng cây có thời gian lưu nước dài. Chất rắn không lắng được, chất keo có thể được loại bỏ thông qua cơ chế lọc; lắng và phân huỷ sinh học... Đồng thời Nitơ được loại bỏ trong các bãi lọc nhờ 3 cơ chế chủ yếu: nitrat hóa/khử nitrat; sự bay hơi của amoniăc (NH3); sự hấp thụ của thực vật. Trong các bãi lọc, sự chuyển hóa của nitơ xảy ra trong các tầng ôxy hóa và khử của đất, bề mặt tiếp xúc giữa rễ và đất, và phần ngập nước của thực vật có thân nhô lên mặt nước. Cơ chế loại bỏ phốt pho trong bãi lọc gồm có sự hấp thụ của thực vật, các quá trình đồng hóa của vi khuẩn, sự hấp thụ lên đất, vật liệu lọc (chủ yếu là cát, sỏi) và các chất hữu cơ, kết tủa và lắng cùng các ion Ca2+, Mg2+,Fe3+ và Mn2+. Bên cạnh đó, khi các kim loại nặng hòa tan trong nước thải chảy qua bãi lọc trồng cây cũng được loại bỏ. Qua kết quả phân tích của Viện Khoa học kỹ thuật quân sự, hiệu quả xử lý qua các bể lắng, hai bãi lọc trồng cây, hai hồ sinh học và qua bãi lọc trồng cây bậc 3 có thể thấy, chất lượng nước đầu ra rất tốt, các chỉ tiêu phân tích đều đạt QCVN14-2008 loại B.

Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ thấm lọctại thị trấn Me (Gia Viễn - Ninh Bình)
Có thể nói, bãi lọc trồng cây như một giải pháp công nghệ xử lý nước thải trong điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường, đạt hiệu suất cao, chi phí thấp và ổn định, đồng thời góp phần làm tăng giá trị đa dạng sinh học, cải tạo cảnh quan môi trường của địa phương. Sinh khối thực vật, bùn phân hủy, nước thải sau xử lý từ bãi lọc trồng cây còn có giá trị kinh tế cao.
Phát biểu Lễ bàn giao công trình, ông Chu Thanh Hà - PGĐ Sở TN&MT Ninh Bình cho biết: “Đây là một công trình trọng điểm, rất có giá trị mà Bộ TN&MT đầu tư tại Ninh Bình. Với trách nhiệm của ngành, chúng tôi sẽ phối hợp với huyện và địa phương vận hành, sử dụng công trình đúng mục đích để mang lại hiệu quả cao”.
Tuy nhiên, để dự án đạt kết quả cao và mang tính bền vững cần có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nhân dân trong thị trấn, đồng thời để duy trì hoạt động hệ thống, UBND huyện và thị trấn cần đầu tư kinh phí để quản lý và vận hành hệ thống sao cho hiệu quả, kinh tế nhất.
Việc thực hiện thành công Dự án hôm nay đã góp phần trực tiếp cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế suy giảm chất lượng môi trường tự nhiên và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại khu vực thị trấn Me, làm giảm ô nhiễm môi trường sông Me, sông Hoàng Long và góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Đồng thời, đây là mô hình mẫu để triển khai thực hiện toàn lưu vực nhằm xử lý nước thải sinh hoạt và khôi phục cảnh quan sinh thái.
Theo http://vea.gov.vn.